Theo lời kể của Lão Ngoan Đồng Chu Bá Thông với Quách Tĩnh, trước thời kỳ của Xạ điêu anh hùng truyện, quần hùng tranh giành bí kíp võ công Cửu Âm chân kinh, dẫn tới nhiều cuộc đổ máu. Cuối cùng, các cao thủ bậc nhất Trung Nguyên quyết định tụ họp trên đỉnh Hoa Sơn, quyết đấu để phân định “thiên hạ đệ nhất nhân”.
Người chiến thắng sẽ được quyền giữ bộ Cửu Âm chân kinh. Có năm đại cao thủ tham gia vào cuộc Hoa Sơn luận kiếm đầu tiên. Đó là Đông Tà Hoàng Dược Sư, Tây Độc Âu Dương Phong, Nam Đế Đoàn Trí Hưng, Bắc Cái Hồng Thất Công và Trung Thần Thông Vương Trùng Dương.
Vương Trùng Dương đánh bại tất cả và được thừa nhận là “thiên hạ đệ nhất nhân”, được quyền giữ Cửu Âm chân kinh. Dẫu vậy, mỗi vị trong nhóm “Thiên hạ ngũ tuyệt” đều có công phu độc môn riêng và số phận khác biệt.
Vương Trùng Dương theo Đạo gia, Đoàn Trí Hưng sau này quy y cửa Phật, Hồng Thất Công hành hiệp trượng nghĩa, Âu Dương Phong nghiền ngẫm độc công, Hoàng Dược Sư giương ngọn cờ tà… Vị nào cũng độc đáo và gây bất ngờ với độc giả.
Đông Tà Hoàng Dược Sư
Trong “Võ lâm ngũ bá”, Hoàng Dược Sư có lẽ là nhân vật được Kim Dung mô tả biến hóa nhất, sâu sắc nhất. Ông là bậc kỳ tài, không chỉ là tông sư võ học mà còn tinh thông cầm kỳ thi họa, y bốc tướng số, toán số thao lược, ngũ hành kỳ môn… Trên đảo Đào Hoa, nơi Hoàng Dược Sư cư ngụ, những cây đào cũng có thể trở thành trận pháp khiến những kẻ lạc bước điên đảo thần hồn.
Đông Tà trí tuệ siêu việt nên võ công của ông cũng cực kỳ phức tạp. Ông nổi tiếng với tuyệt kỹ Đạn Chỉ thần công, Lạc Anh thần kiếm chưởng, Ngọc Tiêu kiếm pháp, Lan Hoa phất huyệt thủ, Toàn Phong tảo diệp thoái… Với cây sáo trên tay, Hoàng Dược Sư chỉ cần thổi khúc Bích Hải Triều Sinh là đủ để những kẻ công lực yếu hơn trở nên điên dại.
Tuy nhiên, Hoàng Dược Sư quả thật tính tình tà quái, kiêu ngạo tự mãn, coi trời bằng vung. Khi hành tẩu giang hồ, ông đeo mặt nạ vì cảm thấy những kẻ tầm thường không đáng nhìn thấy diện mạo ông.
Bị Quách Tĩnh hiểu lầm là kẻ sát hại nhóm Giang Nam thất quái, Hoàng Dược Sư chẳng thèm giải thích, ngang ngạnh chấp nhận món nợ máu, dẫn đến cuộc đấu sống mái với nhóm Toàn Chân thất tử.
Vợ ông đánh lừa Lão Ngoan Đồng để lấy Cửu Âm chân kinh, nhưng khi bà qua đời vì bạo bệnh thì ông lại đổ tội cho Chu Bá Thông hại chết bà. Khi hai đệ tử là Trần Huyền Phong và Mai Siêu Phong đánh cắp nửa bộ Cửu Âm chân kinh, Hoàng Dược Sư giận cá chém thớt, bẻ gãy chân của các đệ tử vô tội khác và đuổi họ đi.
Tính cách cổ quái của Hoàng Dược Sư nhiều lần suýt hại chết Quách Tĩnh và Hoàng Dung, khiến chuyện tình duyên của họ rơi vào cảnh lận đận.
Tây Độc Âu Dương Phong
Âu Dương Phong bị những người căm ghét lão gọi là “Lão Độc Vật” không chỉ bởi bản tính xấu xa, tàn độc, tham lam. Chủ nhân Bạch Đà sơn ở Tây Vực chuyên pha chế những chất kịch độc không ai giải nổi. Trong Lộc đỉnh ký, thứ độc dược tiêu xác mà Vi Tiểu Bảo sử dụng chính là tác phẩm của Âu Dương Phong, được truyền lại qua hàng trăm năm.
Tuyệt kỹ của Tây Độc là Cáp Mô công (tư thế con cóc), chuyên lấy tĩnh chế động, có uy lực phi thường. Lão còn có một thứ võ công đắc ý khác là Linh Xà quyền (võ rắn), từng khiến Bắc Cái phải bối rối. Không chỉ vậy, Âu Dương Phong còn là kẻ tài hoa, giỏi đàn tranh.
Cuộc đấu tiếng tiêu của Âu Dương Phong, tiếng đàn của Hoàng Dược Sư và tiếng hú của Hồng Thất Công trên đảo Đào Hoa là một trong những trường đoạn giao chiến đặc sắc nhất trong tiểu thuyết Kim Dung.
Âu Dương Phong là kẻ bất chấp luân thường đạo lý, tư thông với chị dâu sinh ra Âu Dương Khắc, tìm cách ăn trộm Cửu Âm chân kinh nhưng bị Vương Trùng Dương đánh trọng thương, sát hại năm người trong nhóm Giang Nam thất quái và đổ vạ cho Hoàng Dược Sư.
Bị Hoàng Dung dạy Cửu Âm chân kinh sai lệch, Âu Dương Phong phát điên nhưng lại càng lợi hại, đánh bại cả Hoàng Dược Sư, Hồng Thất Công và Quách Tĩnh trên đỉnh Hoa Sơn, và chỉ bị khuất phục bởi tài trí của Hoàng Dung.
Ở Thần điêu hiệp lữ, Âu Dương Phong không còn là một kẻ tà ác. Vẫn bị điên, lão nhận Dương Quá làm con nuôi, truyền cho chàng võ công chống độc, sau này tỷ thí nhiều ngày với Hồng Thất Công trên đỉnh Hoa Sơn đến suy kiệt nội lực mà chết. Hai đại cao thủ một đời đối đầu nhau, ở phút cuối ôm nhau cười to, xóa hết hận thù.
Nam Đế Đoàn Trí Hưng
Khi tham gia Hoa Sơn luận kiếm, Đoàn Trí Hưng đã là vua nước Đại Lý. Gia tộc họ Đoàn ở Đại Lý rất tinh thông võ nghệ, có tuyệt kỹ Nhất Dương chỉ lợi hại. Đây chính là môn võ khắc chế Cáp Mô công của Âu Dương Phong, đồng thời cũng là phương pháp chữa trị nội thương kỳ diệu.
Tính cách và tình cảm của Đoàn Trí Hưng được Kim Dung hé lộ qua lời kể của Chu Bá Thông với Quách Tĩnh. Vì lo ngại Âu Dương Phong, Vương Trùng Dương dẫn Chu Bá Thông tới Đại Lý gặp Đoàn Trí Hưng, tiếng là muốn học hỏi Nhất Dương chỉ, ý đồ thực là truyền Tiên Thiên công cho Nam Đế.
Nhưng Chu Bá Thông tư thông với Anh Cô, phi tần của Nam đế, khiến nàng mang thai và sinh con. Đoàn Trí Hưng vô cùng tức giận và đau khổ. Một ngày, ác nhân Cừu Thiên Nhận xâm nhập Đại Lý, đánh đứa bé một chưởng rất nặng.
Ý đồ của hắn là khiến Nam Đế phải hao tổn nội lực giải cứu đứa trẻ, không còn là mối đe dọa trong lần Hoa Sơn luận kiếm tiếp theo. Bởi dùng Nhất Dương chỉ để cứu người sẽ khiến Đoàn Trí Hưng phải mất hàng tháng mới có thể phục hồi công lực.
Đoàn Trí Hưng là vua một nước, đồng thời là đại cao thủ võ học, nhưng cũng chỉ là một con người bình thường, có yêu thương, có ghen tuông mù quáng. Ông không chịu cứu đứa trẻ vô tội, khiến Anh Cô tuyệt vọng, tự tay đâm chết con rồi bỏ đi. Đau đớn và hối hận, Đoàn Trí Hưng xuống tóc đi tu.
Sau này, ông dùng Nhất Dương chỉ cứu sống Hoàng Dung khi nàng bị Cừu Thiên Nhận giáng một chưởng vào lưng. Trên đỉnh Hoa Sơn, ông giúp Cừu Thiên Nhận giác ngộ, khiến hắn quy y cửa Phật. Sang đến Thần điêu hiệp lữ, sau bao năm rốt cuộc ông cũng hóa giải được thù hận với Anh Cô.
Bắc Cái Hồng Thất Công
Hồng Thất Công có lẽ là nhân vật đáng yêu nhất trong nhóm “Võ lâm ngũ bá”. Ông là bậc đại hiệp chính khí lẫm lẫm, nhưng cũng có một phần tục khí. Bang chủ Cái Bang rất ham ăm ham rượu, đến nỗi một lần mải ăn khiến huynh đệ gặp nạn. Ông tức giận chặt một ngón tay để tự răn mình, từ đó có biệt danh Cửu chỉ thần cái.
Nhưng rốt cuộc Hồng Thất Công vẫn không bỏ được tật tham ăn. Hoàng Dung tinh quái, gặp một lần là phát hiện ra điểm yếu của Bắc Cái, dùng cao lương mĩ vị để dẫn dụ ông dạy võ công cao siêu cho Quách Tĩnh.
Hồng Thất Công có hai môn bí kíp vô cùng lợi hại. Đầu tiên là Hàng Long thập bát chưởng, môn chưởng pháp cương mãnh hàng đầu võ lâm, đơn giản nhưng rất khó luyện. Nhờ học được Hàng Long thập bát chưởng mà Quách Tĩnh có sự đột phá về võ công, trở thành một cao thủ thực sự.
Thứ hai là Đả Cẩu bổng pháp, môn võ trấn sơn của bang chủ Cái Bang. Hồng Thất Công hiếm khi sử dụng Đả Cẩu bổng pháp, thậm chí trong cuộc Hoa Sơn luận kiếm ông cũng chỉ dùng Hàng Long thập bát chưởng.
Trong cuộc đối đầu với Âu Dương Phong trên đỉnh Hoa Sơn, Bắc Cái truyền 36 chiêu Đả Cẩu bổng cho Dương Quá để biểu diễn cho Tây Độc xem. Âu Dương Phong suy nghĩ bạc đầu mới phá được chiêu thức cuối cùng.
Hồng Thất Công là một trong số ít những đại hiệp chân chính trong tiểu thuyết Kim Dung. Cuối Xạ điêu anh hùng truyện, trên đỉnh Hoa Sơn, Hồng Thất Công thể hiện rõ chính khí, vạch rõ mọi sai trái của Cừu Thiên Nhận, khiến y hối cải quy y, và Quách Tĩnh rũ bỏ được cơn mê loạn.
Trung Thần Thông Vương Trùng Dương
Vương Trùng Dương là một nhân vật đặc biệt trong Xạ điêu tam bộ khúc. Thực tế là ông chưa bao giờ xuất hiện trực tiếp, mà chỉ được mô tả lại qua lời kể của Chu Bá Thông và qua những bức thư ông để lại cho nữ hiệp Lâm Triều Anh mà Dương Quá và Tiểu Long Nữ tìm thấy trong Cổ Mộ.
Vương Trùng Dương vốn là một lãnh tụ khởi nghĩa chống quân Kim, vì thất bại nên quay về núi Chung Nam lập ra Toàn Chân giáo. Ông có người sư đệ Chu Bá Thông và bảy đệ tử, được gọi là Toàn Chân thất tử.
Võ công của Vương Trùng Dương theo đường lối Đạo gia, vô cùng thâm sâu, bao gồm Tiên Thiên công, Toàn Chân kiếm pháp, Thiên Cang Bắc Đẩu trận… Ở cuộc Hoa Sơn luận kiếm đầu tiên, Vương Trùng Dương đánh bại Đông Tà, Tây Độc, Nam Đế, Bắc Cái để trở thành thiên hạ đệ nhất nhân.
Lão Ngoan Đồng khẳng định nếu tham dự một cuộc Hoa Sơn luận kiếm thứ hai, chắc chắn Vương Trùng Dương cũng sẽ vô địch nhờ nội công Đạo gia thâm hậu, huyền ảo.
Ở Thần điêu hiệp lữ, những bức thư ông để lại cho nữ hiệp Vương Triều Anh giúp độc giả hình dung rõ ràng hơn về chưởng môn Toàn Chân giáo. Rõ ràng ông không phải là người vô tình, mà có tình cảm thực sự với Lâm Triều Anh. Tác giả Kim Dung không giải thích rõ lý do họ không đến với nhau, nên độc giả chỉ có thể suy đoán.
Về sau, Vương Trùng Dương bị bệnh nặng và qua đời. Trước khi chết, ông đoán Âu Dương Phong sẽ đến cướp Cửu Âm chân kinh, nên lập mưu giả chết, dùng Nhất Dương chỉ đánh Tây Độc trọng thương, phải bỏ trốn về Bạch Đà sơn.
MichioSan